Quyền có Luật sư

(Ảnh minh họa)

Quyền có luật sư là quyền hết sức quan trọng của bất kỳ công dân nào khi không may bị tạm giữ hay bị khởi tố hình sự.

Trong Bộ luật TTHS, các Điều 48, Điều 49, Điều 50 qui định người bị tạm giữ, bị can (người đã bị khởi tố hình sự), bị cáo (người bị đưa ra xét xử) có quyền tự bào chữa hay nhờ người khác bào chữa. Tại sao như vậy?

Khi một người bị tạm giữ, bị khởi tố, bị đưa ra xét xử thì người đó ở vào vị thế rất yếu và bị bất bình đẳng so với các cơ quan tư pháp. Trong khi đó Điều 52 Hiến pháp qui định: “Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật”. Việc người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có luật sư luôn bên cạnh bảo vệ, tư vấn pháp lý cho họ đảm bảo sự bình đẳng, khách quan và đúng pháp luật trong suốt quá trình tố tụng.

Trong thực tiễn cho thấy, nhiều vụ án đã bị chệch hướng dẫn đến oan, sai do thiếu sự tham gia của luật sư ngay từ giai đoạn đầu tiên của quá trình tố tụng, kể từ khi một người bị tạm giữ, tạm giam.

Ngoài ra khi người bị tạm giữ, bị can, bị cáo bị cách ly ra khỏi gia đình và xã hội. Họ bị thiếu thông tin, rối loạn tinh thần, hoang mang. Do vậy khi bị các cơ quan tư pháp thẩm vấn sẽ không đảm bảo tính khách quan. Đôi khi họ bị điều tra viên mớm cung nên đã khai báo theo ý của điều tra viên. Đến khi luật sư được phép tiếp xúc với hồ sơ thì đã quá trễ. Do vậy việc có luật sư bên cạnh trong các buổi thẩm vấn là vô cùng cần thiết.

Trên thực tế từ trước tới nay, ở Việt Nam rất hiếm có trường hợp người bị tạm giữ, bị can có được luật sư ngay từ khi họ bị tạm giữ hay bị khởi tố. Thông thường chỉ đến khi kết thúc điều tra, luật sư mới được tiếp xúc với thân chủ của mình. Tại sao như vậy?

Rất nhiều người đã có ý thức mời luật sư bảo vệ cho mình ngay từ khi bị tạm giữ, bị khởi tố vì Bộ luật TTHS qui định cho phép họ có quyền như vậy. Nhưng cơ quan điều tra thường lấy lí do bảo đảm bí mật điều tra, hay việc điều tra chưa kết thúc nên không cho luật sư được tham gia trong quá trình thẩm vấn, điều tra. Điều này đã xâm phạm đến quyền có luật sư của người bị tạm giữ, bị can.

Làm thế nào để người bị tạm giữ, bị can có được luật sư ngay khi bắt đầu bị thẩm vấn, điều tra?

Đây là quyền của người bị tạm giữ, bị can đã được Bộ luật TTHS qui định. Bởi vậy người bị tạm giữ, bị can phải cương quyết bảo vệ của mình. Ngay sau khi bị tạm giữ, bị khởi tố, người bị tạm giữ, bị can phải yêu cầu cơ quan điều tra cho liên hệ với gia đình để thuê luật sư. Người bị tạm giữ, bị can cương quyết không ký bất cứ loại giấy tờ gì, không trả lời bất kỳ câu hỏi nào của cơ quan điều tra cho tới khi đã gặp luật sư và tham khảo ý kiến của luật sư. Điều 4 Bộ luật TTHS qui định “Cơ quan tiến hành tố tụng phải tôn trọng và bảo vệ các quyền cơ bản của công dân.”

Đây có phải là hành động chống đối không? Và nếu bị xét xử thì có bị kết án nặng hơn không? Hoàn toàn không. Bởi tại điều 48 Bộ luật Hình sự không qui việc người bị tạm giữ, tạm giam không chấp hành yêu cầu của cơ quan điều tra là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Đồng thời đây là quyền của người bị tạm giữ, bị can. Việc có mặt luật sư sẽ đảm bảo khách quan và công bằng. Và không ảnh hưởng tới mức án nếu bị đưa ra xét xử.

Người bị tạm giữ, bị can cần phải cương quyết bảo vệ quyền có luật sư của mình tới cùng, cho dù thời gian phải kéo dài bao lâu. Không sợ sức ép hay bất kỳ sự đe dọa nào bởi Điều 71 Hiến pháp qui định: “Công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm. Nghiêm cấm mọi hình thức truy bức, nhục hình, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của công dân.

Nếu người bị tạm giữ, bị can không đủ bản lĩnh, dũng cảm, sự kiên trì để yêu cầu có luật sư, thì bản thân họ sẽ bị thiệt thòi. Gia đình và luật sư bên ngoài sẽ không giúp được gì cho họ.

Có luật sư bên cạnh, người bị tạm giữ, bị can sẽ được tư vấn về pháp lý, củng cố tinh thần, biết được thông tin về gia đình. Đồng thời gia đình và người thân cũng biết được tư tưởng, tinh thần của họ sau khi bị cách ly khỏi gia đình và xã hội.

Có luật sư là quyền không thể thiếu được của người bị tạm giữ, bị can. Do vậy cần phải thực hiện quyền của mình khi quí vị bị rơi vào hoàn cảnh như vậy.

Hà nội, ngày 5 tháng 9 năm 2012

Luật sư Nguyễn Văn Đài.