Thế nước qua một tấm hình

Bà Lê Thị Châm và bó cờ đỏ sao vàng nằm dưới bánh xích.

Để tìm một tấm hình phản ảnh đầy đủ thế nước Việt Nam hiện nay thì không có tấm hình nào tốt hơn tấm hình được chia sẻ nóng nhất hai ngày qua trên mạng xã hội. Đó là tấm hình một phụ nữ nông dân bị chèn dưới bánh xích của chiếc máy múc và bên cạnh người phụ nữ này là bó cờ đỏ sao vàng. Một phần bó cờ cũng bị bánh xe cán.

Người phụ nữ nằm dưới xe là bà Lê Thị Châm – một nông dân 54 tuổi, trú ở thôn Hoàng Xá, xã Cẩm Điền-Cẩm Giàng-Hải Dương. Bà là một trong hàng trăm người nông dân đứng ra ngăn cản máy xúc vào dự án khu công nghiệp Cẩm Điền san lấp mặt bằng vì lý do là giá đền bù quá rẻ mạt: 65.000đ/m2. Sau khi bánh xe chèn qua người, dưới sự la ó của đám đông, lái xe đã dừng lại, sau đó lui lại để gỡ nạn nhân ra. May mắn là nạn nhân chỉ bị thương và hiện đang nằm viện.

1. Bế tắc của một lối làm ăn: Khi bánh xích của chiếc máy múc dừng lại, đây không chỉ là sự dừng lại một cỗ máy hung hãn sau khi cán một người dưới bánh xe mà nó còn là sự dừng lại có tính biểu tượng của một cỗ máy kinh tế. Suốt hơn 30 năm qua, cỗ máy kinh tế đất nước vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã nghiền nát không biết bao nhiêu số phận dân oan mà dân chỉ biết câm nín. Kẻ lái cỗ máy múc này khác gì những kẻ quan tham béo núc cứ muốn lái mãi cỗ máy kinh tế định hướng XHCN. Suy cho cùng động lực để họ muốn lái là quyền lợi to lớn. Kẻ lái máy múc được trả tiền cao, kẻ lái cỗ máy kinh tế vì được quyền lợi kinh tế béo bở. Cỗ máy múc cũng như cỗ máy kinh tế đã phải dừng lại vì tội ác nó gây ra đã quá lớn và sự căm phẫn của lòng người đã đến cực điểm.

2. Phá sản một lý tưởng: Bên cạnh người phụ nữ nông dân là bó cờ đỏ sao vàng. Đây là ngọn cờ đại diện cho lý tưởng một thời đại mà nhiều người đã theo để chiến đấu. Như màu đỏ của lá cờ, người nông dân đã đổ không biết bao nhiêu xương máu để dựng nên chính quyền này vì lý tưởng cơm no áo ấm. Ngày hôm nay, nhiều người nông dân mang theo nó khi đối diện với chiếc máy múc hung hãn nhưng thật đáng buồn, chiếc máy múc nghiền nó dưới bánh xe như cán thân thể người dân. Đây thật sự là hình ảnh đắt giá để phản ánh sự phá sản của một lý tưởng.

3. Thất bại rõ nét của một chế độ: Chế độ này vận hành trên sự cưỡng bức nên người cầm quyền luôn nắm chắc hai công cụ là truyền thông và bạo lực nhưng hôm nay họ đã thất bại. Dưới sự lan tỏa thông tin như vũ bão, cập nhật từng phút và dễ dàng tiếp cận đối tượng để kiểm chứng thì chính quyền có muốn ra sức lấp liếm và phủ nhận sự việc cũng không thể được. Họ đã thất bại hoàn toàn trong việc bưng bít truyền thông cũng như việc ngó lơ cho côn đồ hành sự.

4. Ý Chúa muốn vận nước thay đổi? Nhiều người phân vân đây có thể là ảnh ghép vì con người khó mà sống sót dưới bánh xích hàng chục tấn. Thật là may mắn khi phần sau bánh chiếc xe nằm ở trên mô đất cao. Ở máy múc, phần động cơ được bố trí phía sau nên trọng lực phân bố phần lớn ở phía này. Chính điều này làm cho phần bánh trước bị hẫng, tạo một khoảng trống đủ để nạn nhân chỉ bị chấn thương mà không phải là chà nát. Chỉ cần vài nhịp xích lăn nữa thì phần trước bánh xe sẽ tỳ xuống đất. Khi đó thật sự là một thảm họa.

Nguyên nhân của vụ việc không phải người phụ nữ cố để bánh xe cán mà là sự trượt ngã khi cùng đám đông ngăn cản thi công. Rõ ràng đây có thể xem như một “tai nạn”. Một vụ tai nạn có lẽ được sắp đặt theo ý Chúa để người Việt Nam thức tỉnh mà cùng nhau thay đổi vận nước trước khi một thảm họa thật sự xảy ra.

Nguyễn Văn Thạnh

https://www.danluan.org

 Chuyến thăm Mỹ của Nguyễn Phú Trọng báo hiệu một sự thay đổi lớn!\

Việt Hoàng

  • “…Không có Mỹ ủng hộ thì đảng CSVN sẽ sớm tiêu vong. Nếu vẫn còn dựa được vào Trung Quốc thì chắc chắn không có cuộc thăm viếng này, vì vậy với bất cứ lý do gì thì đây cũng là một sự thay đổi ngoạn mục và lớn lao trong nội bộ đảng CSVN… ”

    Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam (đảng CSVN) Nguyễn Phú Trọng đã có mặt tại Mỹ từ ngày 7/7/2015 đến ngày 10/7/2015 trong một cuộc thăm viếng mang tính lịch sử. Theo báo chí chính thống thì đây là một cột mốc đánh dấu 20 năm ngày bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ (1995-2015) và đồng thời nâng cao sự hợp tác giữa hai nước lên tầm “đối tác chiến lược”. Cuộc thăm viếng này được dư luận trong và người nước quan tâm theo dõi đặc biệt, nhất là hồ sơ Biển Đông đang ngày càng trở nên nóng bỏng trước các động thái quyết liệt của Trung Quốc.

    Chúng tôi sẽ không nhắc lại những gì mà báo chí Việt Nam và quốc tế đã loan tải mà chỉ đưa ra những phân tích và nhận định riêng của chúng tôi, một tổ chức chính trị dân chủ đối lập với cái nhìn về tương lai của đảng CSVN và của phong trào dân chủ Việt Nam.

    1. Chính quyền Việt Nam đang trong tình trạng tuyệt vọng.

    Đúng là trong lịch sử 80 năm cầm quyền của mình, đảng CSVN nhiều lần gặp khó khăn và rơi vào tình trạng tuyệt vọng nhưng rồi họ đều vượt qua được. Có ít nhất hai lý do khiến họ thoát hiểm. Thứ nhất, nền văn hóa Khổng giáo đã giúp họ. Đó là sự trung thành mù quáng, sự vâng phục tuyệt đối của giới trí thức và sự nhẫn nhục đến cam chịu của người dân đối với một lực lượng chính trị đã có công “giải phóng đất nước”. Thứ hai là trong mọi trường hợp đảng CSVN luôn nhận được sự ủng hộ và bảo trợ vô cùng lớn của Liên Xô hoặc Trung Quốc hoặc cả hai. Đừng quên rằng đảng CSVN chỉ là một phân bộ của Cộng sản Quốc tế và nhiệm vụ của họ là chống đế quốc và xây dựng một “thế giới đại đồng”. Vì thế đảng CSVN luôn nhận được mọi sự đáp ứng cần thiết về mọi thứ để có thể “kháng Pháp, chống Mỹ”.

    Hai thuận lợi trong quá khứ đó không còn tác dụng trong thời điểm hiện nay. Văn hóa và dân trí người Việt đã thay đổi và nâng cao. Ánh hào quang của quá khứ đã mờ nhạt và không thể đem ra ăn thay cơm. Người dân Việt Nam đã thật sự thất vọng với đảng CSVN. Một tầng lớp trí thức trẻ, không chịu ân huệ của đảng CSVN đã trưởng thành và nhập cuộc. Tiếng nói của họ ngày càng thuyết phục và được lắng nghe. Hai thế lực “chống lưng” cho Việt Nam là Nga và Trung Quốc cũng không còn nữa. Nước Nga của Putin đã sa lầy quá nặng do cuộc can thiệp quân sự thô bạo, bất chất luật pháp quốc tế vào Ukraina. Nga sẽ không còn có thể làm gì và giúp được gì cho Việt Nam. Trung Quốc, một đồng minh ý thức hệ, thay vì bảo trợ cho Việt Nam thì nay trở thành nguy cơ đe dọa Việt Nam.

    Kinh tế Việt Nam thật sự đã phá sản. Do tình trạng tham nhũng công khai và trắng trợn dẫn đến việc ngân sách Việt Nam ngày càng eo hẹp, thu không đủ chi. Bộ máy công chức ngày càng phình to, người làm được việc thì ít mà người ăn lương lại quá nhiều. Việt Nam có đến ba bộ máy đang cùng cai trị: chính quyền, đảng CSVN và các đoàn thể. Thâm hụt ngân sách Việt Nam vào khoảng 20 tỉ USD mỗi năm.

    2.Trung Quốc đang sụp đổ và không còn là chổ dựa cho đảng CSVN nữa. Bắc Kinh muốn giữ Việt Nam cũng không giữ nổi. Hà Nội muốn tiếp tục lệ thuộc Bắc Kinh cũng không được.

    Tiến trình tan rã và sụp đổ của Trung Quốc có vẻ đang tăng tốc với việc thị trường chứng khoáng Trung Quốc mất hơn 3000 tỉ USD trong chưa đầy một tháng qua. Sau đó sẽ đến thị trường bất động sản, ngân hàng và cuối cùng là toàn bộ nền kinh tế. Chúng tôi cũng đã tiên liệu trước được điều này qua bài viết “Khi thiên triều sụp đổ và lịch sử sang trang” của ông Nguyễn Gia Kiểng, người lãnh đạo Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên. Chúng tôi cũng xin nhắc lại một ý kiến trong bài viết đó để mọi người khỏi ngộ nhận và hy vọng là Trung Quốc sẽ vỡ nợ hay sụp đổ ngay lập tức như Hy Lạp. Trung Quốc là một đế quốc vì vậy sự sụp đổ và tan rã của nó sẽ kéo dài và từ từ chứ không đến ngay một lúc như các quốc gia khác. Với Việt Nam thì Trung Quốc sụp đổ khi nó không còn là chổ dựa. Trung Quốc rất muốn giữ Việt Nam trong vòng tay của mình, ngoài lý do quan trọng là ý thức hệ và địa chính trị thì Việt Nam còn là một mối lợi lớn về kinh tế. Trung Quốc xuất siêu vào Việt Nam mỗi năm hơn 35 tỉ USD và nhiều mặt hàng trong đó là đồ phế thải gây độc hại cho sức khỏe của người dân Việt Nam và cũng là nguyên nhân gây ra “cái chết” cho hàng vạn doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam.

    Đổi lại mỗi năm Trung Quốc phải viện trợ hoặc cho Việt Nam vay tiền. Số tiền đó vào khoảng 20 tỉ USD mỗi năm, bằng đúng số tiền thâm thủng ngân sách của Việt Nam (Ngân sách 2014, chi: 50 tỉ USD, thu 28 tỉ USD). Khi Trung Quốc ổn định thì khoản tiền đó không phải là nhiều nhưng trong lúc thiếu thốn và sẽ rất thiếu thốn trong một tương lai gần thì Trung Quốc không thể thỏa mãn yêu cầu đó của Việt Nam. Liên Xô sụp đổ và khối xã hội chủ nghĩa Đông Âu tan rã cũng bắt đầu từ việc Liên Xô không còn là chỗ dựa cho các nước cộng sản chư hầu vì hết tiền. Ba Lan và toàn bộ các nước cộng sản Đông Âu bắt buộc phải dân chủ hóa và sau đó tác động ngược lại Liên Xô khiến nó cũng sụp đổ theo.

    Văn hóa cầm quyền của đảng CSVN là văn hóa chư hầu. Tự thân nó từ lúc khai sinh đến bây giờ chưa bao giờ có khả năng tự lập mà luôn phụ thuộc vào một cường quốc nào đó. Trước một Trung Quốc hung hăng và tham lam, đảng CSVN cũng chỉ biết im lặng và cam chịu để tiếp tục tồn tại. Họ sẵn sàng hy sinh quyền lợi của đất nước và dân tộc để đổi lấy sự cai trị của mình. Người dân Việt Nam có câu “Đi với Trung Quốc thì mất nước, đi với Mỹ thì mất đảng nhưng thà mất nước chứ không chịu mất đảng”.

    Việc ông Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu một phái đoàn hùng hậu (với 11 ủy viên trung ương đảng, ba bộ trưởng và hai ủy viên bộ chính trị) đến Mỹ là một hành động chẳng đừng được và là một sự thay đổi bắt buộc, không thể không làm. Không có Mỹ ủng hộ thì đảng CSVN sẽ sớm tiêu vong. Nếu vẫn còn dựa được vào Trung Quốc thì chắc chắn không có cuộc thăm viếng này, vì vậy với bất cứ lý do gì thì đây cũng là một sự thay đổi ngoạn mục và lớn lao trong nội bộ đảng CSVN.

    3. Chế độ cộng sản Việt Nam muốn gì hay âm mưu gì cũng không quan trọng. Họ bắt buộc phải xáp lại với Mỹ và các nước dân chủ dù đó là con đường dẫn tới chỗ chết.

    Trước chuyến thăm Mỹ của ông Nguyễn Phú Trọng, tướng Nguyễn Chí Vịnh đã cho biết là Mỹ không có ý định thay thế chế độ hiện nay tại Việt Nam. Nhiều người lên án Mỹ hoặc cho rằng Mỹ nói dối nhưng chúng tôi cho rằng người Mỹ nói thật lòng. Mỹ sẽ không bao giờ đem quân đội can thiệp vào Việt Nam để lật đổ chế độ cộng sản. Họ không cần và không thể làm điều đó. Việc lựa chọn chế độ chính trị tại Việt Nam là việc của người dân Việt Nam, nhất là tầng lớp trí thức tinh hoa Việt Nam. Đây là công việc nội bộ của Việt Nam. Đừng quên rằng chính quyền Mubarak tại Ai Cập trước đây là một đồng minh quan trọng của Mỹ tại Trung Đông nhưng khi chế độ này bị người dân lật đổ thì Mỹ khoanh tay đứng nhìn và sau đó tiếp tục hợp tác với chính quyền mới.

    Việc đảng CSVN đem “bầu đoàn thê tử” đến Mỹ là để khẳng định những cam kết Việt-Mỹ sẽ được tuân thủ đầy đủ miễn là Mỹ không hậu thuẫn lật đổ chế độ cộng sản hiện nay. Mỹ (có lẽ) đã cam kết không can thiệp vào nội tình của Việt Nam, đây vấn đề mà đảng CSVN lo lắng nhất, vì thế các cuộc gặp gỡ lần này xem ra cả chủ lẫn khách đều thoải mái, hài lòng và vui vẻ. Các vấn đề mà hai bên đã thảo luận bao gồm TPP, môi trường, an ninh quốc phòng, tình hình Biển Đông, nhân quyền và tự do tôn giáo…

    Bằng mọi giá Việt Nam phải vào được khối TPP nếu không thì kinh tế Việt Nam sẽ sụp đổ. Tuy nhiên nếu vào ngay TPP lúc này cũng chết vì khối TPP kiểm soát nguồn gốc hàng hóa vì vậy Việt Nam không thể bán hàng Trung Quốc với nhãn mác “made in Vietnam”. Việt Nam rất cần thời gian và sự yểm trợ của Mỹ để thích nghi với tình hình mới. Hà Nội bắt buộc phải đi với Mỹ dù biết rằng như thế chế độ độc tài đảng trị sẽ phải chấm dứt. Chắc chắn là Mỹ không chỉ đơn phương chấp nhận mọi thứ Việt Nam yêu cầu mà không kèm theo điều kiện. Ông Phó tổng thống Mỹ Biden và cả Thượng nghị sĩ McCain đều nói rõ là họ “tin tưởng rằng Việt Nam sẽ tiến tới một nhà nước pháp trị”.

    Chúng ta đều biết rằng chỉ còn 6 tháng nữa là đến đại hội đảng 12 nhưng đảng CSVN vẫn chưa có Dự thảo cương lĩnh chính trị. Lý do của sự chậm trễ này là vì đảng CSVN chưa chắc chắn về định hướng khi chưa biết là có thỏa thuận được gì với Mỹ hay không. Sau chuyến đi Mỹ của ông Trọng về, trong một thời gian ngắn đảng CSVN sẽ sớm công bố dự thảo cương lĩnh chính trị. Vì vậy chuyến đi này rất quan trọng và đánh dấu một thay đổi lớn trong định hướng của chế độ cộng sản Việt Nam.

    4. Đảng CSVN hoàn toàn không có một hy vọng nào trong một nước Việt Nam dân chủ, nó sẽ bị xóa bỏ ngay trong cuộc bầu cử tự do đầu tiên.

    Nỗ lực xáp lại với Mỹ của đảng CSVN là một nỗ lực rất lớn, một cố gắng phi thường. Không bắt tay với Mỹ thì sẽ chết rất nhanh mà bắt tay với Mỹ thì phải thay đổi. Sự thay đổi cuối cùng sẽ là dân chủ hóa đất nước, thay thế chế độ đảng trị bằng một nhà nước pháp trị.

    Muốn hay không thì Việt Nam cũng phải thay đổi và sự thay đổi sẽ lớn, rất lớn.

    Không còn ai có thể chống lưng cho đảng CSVN ngoài Mỹ vì vậy họ phải nhân nhượng nhiều điều từ phía Mỹ. Xã hội dân sự Việt Nam nói riêng và phong trào dân chủ Việt Nam nói chung đang đứng trước những cơ hội và thuận lợi rất lớn. Lịch sử đang sang trang.

    Vấn đề quan trọng đối với phong trào dân chủ Việt Nam hiện nay đó là sự chuẩn bị. Phải có sự chuẩn bị về tinh thần, lý luận, nhân sự và nhất là một giải pháp thay thế khả thi để thuyết phục dân chúng. Những người Việt Nam yêu nước cần ủng hộ và tham gia vào các tổ chức chính trị dân chủ đứng đắn để hình thành một mặt trận dân chủ thống nhất, làm đối trọng và giải pháp thay thế cho đảng CSVN.

    Những đảng viên cộng sản có tâm và có lòng yêu nước cần phải hiểu rằng mọi sự thay đổi chỉ có thể đến từ các lực lượng chính trị bên ngoài đảng. Đảng CSVN đã quá phân hóa và thối nát để có thể tự thay đổi. Hơn nữa, tất cả những gì liên quan đến hai chữ “cộng sản” đều đã mất hết uy tín vì quá lạc hậu và lạc điệu. Đó còn là hiện thân của sự dối trá, chết chóc, mông muội, bạo lực và thù hận vì vậy nó không còn chỗ đứng trong tương lai. Hiểu được điều này để các thành phần tiến bộ trong đảng mạnh dạn và dứt khoát bắt tay với các tổ chức dân chủ đối lập để cùng nhau tạo ra sự thay đổi cho Việt Nam. Chúng tôi xin nhắc lại một nhận định quan trọng rằng một tổ chức chính trị dân chủ đối lập đơn độc hay một mình các đảng viên đảng CSVN sẽ không có đủ uy tín để tập hợp quần chúng mà cần đến cả hai. Phải là một sự kết hợp giữa một tổ chức chính trị đối lập đứng đắn với các đảng viên tiến bộ trong đảng mới có thể động viên được quần chúng và tạo ra được sự thay đổi.

    Chúng ta cần chuẩn bị và sẵn sàng để đúng hẹn với lịch sử.

    nguon: danluan.org

Kỳ vọng gì với chuyến thăm Mỹ của TBT Nguyễn Phú Trọng?

Anh Vũ, thông tín viên RFA
000_Hkg10143957.jpg

Tổng Bí thư ĐCS VN Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm 85 năm thành lập đảng hôm 02/2/2015 tại Hà Nội.

Theo truyền thông nhà nước cho biết, nhân dịp kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt nam và Mỹ, nhằm tạo đà phát triển và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ giữa hai nước, Tổng bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng sẽ thăm chính thức Mỹ trong năm nay.

Hai nước cần nhau hơn

Tổng BT Nguyễn Phú Trọng sẽ là người lãnh đạo cao cấp nhất đứng đầu Đảng CSVN lần đầu tiên chính thức thăm Mỹ, một quốc gia vốn là cựu thù của VN.

Đánh giá về mối quan hệ Việt – Mỹ vào thời điểm hiện nay, ông Đặng Xương Hùng, nguyên lãnh sự Việt Nam tại Genève trong nhiều năm cho biết nhận xét của mình, ông nói:

“Đồng ý đón ông Trọng trong năm nay cũng là việc cho thấy rằng hai nước đã có những thay đổi để mà chấp nhận những sự thay đổi khác với ngày trước hơn. Tức là hai nước cần nhau hơn và cần nhau một cách cấp thiết hơn, phía Mỹ thì cần VN có vai trò trong quan hệ để đối phó với các ảnh hưởng của Trung quốc ở Biển Đông và Thái Bình Dương làm ảnh hưởng đến quyền lợi của Mỹ. Còn phía VN cũng thấy rằng cần Mỹ hơn, vì cũng cần phải có chỗ dựa với người Mỹ để đối phó trong một chừng mực nào đó trong mối quan hệ với Trung quốc hiện nay.”

LS. Vũ Đức Khanh chuyên gia nghiên cứu về chính trị Việt Nam, quan hệ quốc tế và luật pháp quốc tế tại Đại học Ottawa – Canada nhận định:

“Mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đang ở một cái độ chín muồi và  tôi nghĩ rằng các chính khách của cả hai quốc gia đều mong muốn có một mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước. Rõ ràng là phía Hoa kỳ đã làm tất cả những gì mà họ có thể làm được. Cho nên tôi nghĩ rằng mối quan hệ Việt nam – Hoa kỳ đang ở mức rất tốt, tuy nhiên chúng ta cần phải xem phía VN đáp ứng trở lại thiện chí của Hoa kỳ thế nào?”

Mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đang ở một cái độ chín muồi và  tôi nghĩ rằng các chính khách của cả hai quốc gia đều mong muốn có một mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước.
– LS. Vũ Đức Khanh

Theo báo Tuổi Trẻ, GS. Jonathan London, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Ðông Nam Á tại Ðại học Thành Thị Hong Kong nhận định rằng chuyến đi của Tổng BT Nguyễn Phú Trọng sang Mỹ sẽ là một sự kiện rất quan trọng trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Nhận xét về chuyến thăm Mỹ của TBT Nguyễn Phú Trọng, LS. Vũ Đức Khanh cho rằng theo ông chuyến thăm này sẽ gặp rất nhiều trở ngại, mà cần phải vượt qua. Ông nói với chúng tôi:

“Ông Nguyễn Phú Trọng sẽ đến (Hoa kỳ) với tư cách TBT Đảng CSVN, thực ra phía Hoa kỳ chưa bao giờ tuyên bố Tổng thống Obama mời TBT Nguyễn Phú Trọng, mà chỉ nói Chính phủ Hoa kỳ mời. Tuy nhiên tôi không nghĩ rằng ông Obama sẽ tiếp TBT Nguyễn Phú Trọng trong tòa Bạch ốc, mà theo các nguồn tin tôi có thì có thể ông Obama sẽ tiếp ông Nguyễn Phú Trọng ở một nhà nghỉ mát nào đó trên đất Mỹ, trong một khuôn khổ không chính thức, mặc dầu chuyến đi của TBT Nguyễn Phú Trọng là chính thức. Đó là cái phía VN đang phân vân, và không biết nên đi hay không nên đi và nếu không đi thì ai sẽ là người thay thế ông Nguyễn Phú Trọng trong chuyến đi sắp tới.”

Chuyến thăm Hoa Kỳ của ông TBT sẽ giúp củng cố các nỗ lực của ông Nguyễn Phú Trọng, khi ông muốn trở thành nhân vật lãnh đạo chủ chốt của VN trước thềm Đại hội Đảng lần tới. Ông Đặng Xương Hùng khẳng định:

“Việc ông Nguyễn Phú Trọng, người đứng đầu Đảng CSVN đi Mỹ nhằm tạo cho dư luận thấy rằng hy vọng nó sẽ có cái thay đổi hình thức bên ngoài để từ đó dẫn đến sự thay đổi nội dung từ bên trong. Trong tình hình đấu đá nội bộ hiện nay ở VN thì việc ông Trọng đi Mỹ nhằm tạo nên hình ảnh vai trò của ông Tổng BT quyết định mọi vấn đề. Nhằm chứng tỏ với dư luận rằng họ sẵn sàng nhanh chóng phát triển quan hệ với Mỹ mà không chỉ dựa vào Trung quốc thôi. Cái này nó xuất phát từ việc nhu cầu đối ngoại của VN luôn tỏ ra là cân bằng trong quan hệ giữa hai nước lớn.”

Kỳ vọng gì?

Khi được hỏi, ông có hy vọng gì từ chuyến thăm Mỹ của TBT Nguyễn Phú trọng lần này?

Ban lãnh đạo Đảng CSVN không muốn một mối quan hệ quá thân thiết hay gần gũi với Hoa Kỳ vì sợ làm phật lòng người anh em Trung Quốc. Ông Đặng Xương Hùng khẳng định:

“Hy vọng của tôi là sẽ xây dựng được mối quan hệ tin cậy đối với phía Mỹ, nghĩa là đã có những bước phát triển đích thực để tạo ra mối quan hệ tin cậy, đủ để Mỹ có thể bảo vệ quan hệ Mỹ – Việt như bảo vệ quan hệ của mình. Chỉ có mối quan hệ tin cậy thì người Mỹ mới quan tâm đến quan hệ Mỹ – Việt và quan tâm bảo vệ lợi ích như của chính họ, thì nó mới có giá trị về mặt thay đổi, về mặt lợi ích cho quốc gia. Còn hy vọng thấp hơn thì hy vọng là sẽ có một sự chuyển biến. Tuy nhiên chuyến đi này, theo tôi chưa đạt được cái mức đối tác chiến lược trong quan hệ với Mỹ, vì người Mỹ cũng rất thận trọng trong quan hệ với VN. ”

Với một thái độ không mấy lạc quan, LS. Vũ Đức Khanh cho biết nhận xét của mình, ông nói:

Trong tình hình đấu đá nội bộ hiện nay ở VN thì việc ông Trọng đi Mỹ nhằm tạo nên hình ảnh vai trò của ông Tổng BT quyết định mọi vấn đề.
– Ông Đặng Xương Hùng

“Trước thềm Đại hội 12 mà ông (TBT Nguyễn Phú Trọng) ấy không có khả năng trở lại chức vụ Tổng BT thì ông ấy cũng chẳng có những tuyên bố được coi là quá lớn. Vả lại những thành tích của ông ấy, chẳng hạn được cho là người giáo điều, tin vào Chủ nghĩa CS hoặc thân Trung quốc thì thử hỏi ông ấy sẽ nói gì ở Hoa kỳ? Điều đó cho thấy VN sẽ không có sự thay đổi lớn nào qua lời của TBT Nguyễn Phú Trọng về vấn đề chính cấp đối với Hoa kỳ được. Do đó, tôi vẫn không nghĩ rằng ông Trọng sẽ đi trong chuyến đi này, nhưng giả thuyết ông Trọng có đi chăng nữa thì ông Trọng cũng chỉ tuyên bố những vấn đề chung chung mà chúng ta đều biết. Tôi nghĩ rằng ông ta sẽ nói: chúng ta mong muốn rằng Việt nam và Hoa kỳ sẽ kết thúc đàm phán về TPP và hai nước sẽ tăng cường mối quan hệ này kia. Và nếu có nói thêm về vấn đề Biển Đông thì ông ta sẽ nói những gì đã tuyên bố. Cho nên tôi không có hy vọng bất kỳ điều gì từ chuyến đi của TBT Nguyễn Phú Trọng.”

Trả lời câu hỏi sau chuyến đi này của TBT Nguyễn Phú Trọng tình hình nhân quyền và dân chủ ở VN sẽ được cải thiện hơn hay không?

Ông Đặng Xương Hùng cho biết:

“Nếu như chuyến đi này được thực hiện trên cơ sở của một  sự thay đổi nhận thức, tức là muốn tăng cường quan hệ với Mỹ trên cơ sở tin cậy và niềm tin với nhau, thì vấn đề nhân quyền chắc chắn sẽ có tiến bộ. Còn nếu chuyến đi này chỉ tiếp tục thực hiện chính sách đối ngoại mềm dẻo và khôn khéo thì và chỉ là sự cân bằng quan hệ Mỹ – Việt nam và Trung quốc thì tôi khẳng định không có tiến bộ gì về nhân quyền. Nếu có thì chỉ là chút ít mang tính hình thức.”

Trong lúc này, lợi ích của VN đang nằm trong việc đa dạng hóa các mối quan hệ của mình để vượt ra ngoài sự kiềm tỏa của Trung Quốc, trong khi Hoa Kỳ thì muốn ve vãn đồng minh mới ở Hà Nội như là một phần trong các chuyển dịch nhằm tăng cường ảnh hưởng ở châu Á của mình để đối trọng với sự trỗi dậy của Bắc Kinh. Vấn đề được đặt ra là liệu Đảng CSVN đã sẵn sàng cho cuộc chơi mới này tới đâu?

Việc TBT Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng sẽ thăm chính thức Mỹ trong năm 2015 nhân dịp hai nước kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ là một sự kiện được đánh giá là hết sức quan trọng.

 trich: RFA